Vào ngày 6/5 vừa qua V.League phải tạm dừng lần thứ 2 vì đại dịch Covid-19 ngay trước khi Đội tuyển Việt Nam tập hợp để chuẩn bị cho vòng loại thứ 2 World Cup 2022. Dù kế hoạch bị “vỡ” khi không thể tổ chức nốt lượt cuối cùng của giai đoạn 1 nhưng người trong cuộc đã hy vọng, Covid-19 sẽ được khống chế trong quãng nghỉ dành cho ĐT Việt Nam tập trung. Thực tế là vào thời điểm đó, dịch bệnh đã có nhiều đấu hiệu khả quan khi nhiều địa phương đã phát đi khá tích cực. Điều ấy khiến VPF lên kế hoạch đưa V.League trở lại vào ngày 31/7.
Tuy nhiên trong một cuộc họp gần đây của VPF đã hoãn lịch thi đấu của V.League đến khi nào có thông báo vì tình hình dịch bệnh trong nước ngày càng diễn biến phức tạp hơn. Điều này đã gây khó khăn cho các cầu thủ lẫn HLV. Và các CLB của V.League luôn phải đau đáu tìm hướng giải thoát cho riêng mình trong tình cảnh này.
V.League rất khó có thể quay lại vào tháng 8
Covid-19 bùng phát mạnh mẽ ở khu vực phía Nam. Khiến cho nhiều tỉnh thành phải thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16. Tình thế buộc VPF phải nhanh chóng đưa ra quyết định tạm dừng kế hoạch đưa V.League 2021 cũng như hạng Nhất 2021 quay trở lại vào ngày 31/7 tới. Năm ngoái, đợt hoãn V.League dài nhất diễn ra vào khoảng 2 tháng 20 ngày. Tức sau vòng 1 diễn ra vào ngày 13/5/2020 đến ngày 6/6/2020.
Nếu tính từ ngày 6/5/2021 cho đến thời điểm này thì quãng thời gian V.League 2021 tạm dừng/hoãn vẫn chưa bằng đợt dịch năm ngoái nhưng với tình hình Covid-19 vào thời điểm hiện tại thì chắc chắn, quãng thời gian tạm dừng/hoãn của mùa giải năm nay sẽ dài hơn. Việc dịch Covid-19 đang hoành hành khiến VPF như ngồi trên đống lửa. Bởi không có nhiều thời gian để sắp xếp lịch thi đấu.
Rất khó để V.League hy vọng trở lại vào tháng 8. Nhưng cũng không dễ để bắt đầu vào đầu tháng 9. Trong trường hợp dịch Covid-19 được khống chế tốt. Bởi ĐT Việt Nam phải thi đấu 2 trận vòng loại thứ ba World Cup 2022 vào đầu tháng 9. Nên cần quỹ thời gian để chuẩn bị cũng như cách ly (nếu như không được đặc cách).
CLB gặp phải vô vàn thử thách trong mùa dịch bệnh
Các mùa trước, việc các CLB thay thế ngoại binh là điều hết sức bình thường. Thế nhưng, tình thế hiện nay buộc các CLB phải cân nhắc. Họ đối diện với muôn vàn thách thức. Đầu tiên là việc vượt qua những trở ngại mà đại dịch mang đến. Các chuyến bay hạn chế, tiêu chuẩn nhập cảnh được siết chặt. Chi phí tài chính đội lên, nhưng quan trọng nhất là nhiều cầu thủ không muốn trải qua một hành trình dài cách ly để rồi bước tiếp vào đợt thử việc mơ hồ.
Thách thức thứ hai là việc, bản thân các CLB cũng không thể dám chắc bao giờ giải đấu sẽ tiếp tục. Mùa giải kéo dài khiến chi phí tài chính của họ tăng thêm. Nhưng, điều đó còn dễ chấp nhận hơn là việc, V.League không thể tổ chức vì đại dịch hay không đủ thời gian. Người trong cuộc và nhà điều hành giải có thể vì khó khăn khách quan mà cảm thông cho nhau. Nhưng cam kết về trách nhiệm tài chính với cầu thủ là điều không được phép quên.
Đây là thời điểm BLĐ thể hiện bản lĩnh và sự khôn khéo của mình
Trong bóng đá, được-mất, thành công hay thất bại là điều bình thường. Đặc biệt là trong thời điểm cả nhân loại phải đối diện với một cuộc chiến không phân định giới tuyến thì bản lĩnh, sự khôn khéo của những nhà quản lý có ý nghĩa sống còn với từng đội bóng. Nói không quá, họ như đi trên dây trong thời dịch bệnh.
Vừa phải tính đến yếu tố an toàn về mặt tài chính. Nhưng vẫn đảm bảo sự chủ động về chuyên môn khi giải đấu trở lại. Và nói cho cùng, ứng phó với khủng hoảng và những giải pháp của người trong cuộc sẽ cho thấy năng lực quản trị của nền bóng đá. Chúng ta không thể sớm thay đổi thực tế thì cũng nên thay đổi chính mình để đến đích an toàn.